Hãy chú ý đến đôi chân của mình nếu bạn làm những công việc này

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay gặp hơn ở những người phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, đứng lâu hay ngồi bất động, người thừa cân

Tĩnh mạch là hệ thống mạch máu trong cơ thể, dẫn máu trở về tim, ngược với động mạch đưa máu từ tim tới các cơ quan trong cơ thể. Đa số tĩnh mạch có các van, có chức năng ngăn ngừa máu chảy ngược chiều hoặc ứ đọng ở chi dưới gây ra bởi lực hút của Trái đất.

Bệnh tĩnh mạch chi dưới mạn tính là tình trạng bất thường về cấu trúc, chức năng của hệ tĩnh mạch, do tăng áp lực tĩnh mạch mạn tính, gây suy các van tĩnh mạch. Bệnh có thể gặp ở bất kì ai song phụ nữ gấp hai lần nam giới và tỉ lệ tăng dần theo tuổi.

Bệnh có thể do tiên phát là các bất thường giải phẫu hoặc thứ phát sau huyết khối, chèn ép do u hoặc có thai

Bệnh hay gặp hơn ở những người phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, đứng lâu hay ngồi bất động, người thừa cân

Triệu chứng chính của bệnh là cảm giác tê bì, tức nặng, bứt rứt, đôi khi giống chuột rút, phù chi dưới, tăng lên vào cuối ngày; đặc biệt sau khi đứng, ngồi lâu. Triệu chứng trên sẽ thuyên giảm khi người bệnh gác cao chân. Ngoài ra, tùy theo mức độ nặng của bệnh có thể thấy những biểu hiện trên da như sau:

  • Mạng nhện, dạng lưới. (Giai đoạn sớm này cần sử dụng siêu âm Doppler hệ tĩnh mạch để có chẩn đoán chính xác)
  • Búi giãn nông ngoằn ngoèo trên da.

Bệnh không những gây ra những khó chịu và tổn thương mất thẩm mĩ trên da mà còn đem đến những biến chứng nặng nề như:

  • Chảy máu, rách tĩnh mạch do chấn thương
  • Huyết khối tĩnh mạch
  • Viêm loét, hoại tử tĩnh mạch
  • Ung thư hóa tuy rằng hiếm gặp

Tuy thế bệnh hoàn toàn có thể dự phòng bằng cách:

  • Tăng cường sử dụng chức năng bơm của cơ : Tránh đứng bất động trong thời gian dài, tư thế ngồi bắt chéo chân, hoặc tình trạng tĩnh tại lâu. Khuyến khích hoạt động thể chất phù hợp.
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho hồi lưu tĩnh mạch : nâng cao phía cuối giường ngủ khoảng 10 cm, hoặc tập vận động chân giống như đạp xe trong không khí trước khi ngủ.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao.
  • Chế độ dinh dưỡng phù hợp : Giảm chất béo, tăng cường chất xơ, tránh tình trạng táo bón.

Tùy theo giai đoạn của bệnh, mỗi bệnh nhân mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Song xét chung, có 3 khuynh hướng điều trị chính

  • Nội khoa: các thuốc tăng cường trương lực tĩnh mạch, đeo tất áp lực.
  • Ngoại khoa, can thiệp
  • Phục hồi chức năng:

Tóm lại, bệnh tĩnh mạch chi dưới mạn tính tuy không quá nguy hiểm, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sẽ đem lại nhiều hậu quả không mong muốn về lâu dài. Trong khi những điều đó bệnh nhân hoàn toàn có thể tránh được nếu được điều trị và biết cách dự phòng bệnh.

Tài liệu tham khảo :

  1. PGS. TS. BS PHẠM MẠNH HÙNG. Sách Lâm sàng Tim Mạch học (2019) – NXB Y học. Chương XIII: Bệnh mạch máu ngoại biên. Bệnh tĩnh mạch chi dưới mạn tính
  2. BS NGUYỄN TUẤN HẢI. Cập nhật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. HỘI NGHỊ TIM MẠCH TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 + seventeen =